Quảng Bình: Bệnh nhi 8 tuổi tử vong nghi do ngộ độc cà gai leo trên rừng

Có 10 lượt xem

Sau khi hái cà gai leo trên rừng để ăn, một cháu bé bị mệt, đau đầu và phải cấp cứu tích cực; bệnh nhi bị chẩn đoán ngừng hô hấp tuần hoàn, ngộ độc cà gai leo.

Ngày 22.10, thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nghi ngộ độc do ăn cà gai leo trên rừng.

Quảng Bình: Bệnh nhi 8 tuổi tử vong nghi do ngộ độc cà gai leo trên rừng

Theo đó, bệnh nhi 8 tuổi, trú tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, nhịp tim rời rạc. Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, trong khi đi rừng, bệnh nhi có hái cà gai leo để ăn, sau đó, khi có triệu chứng mệt, đau đầu, li bì thì được người nhà đưa đến bệnh viện.

Quảng Bình: Bệnh nhi 8 tuổi tử vong nghi do ngộ độc cà gai leo trên rừng
Quảng Bình: Bệnh nhi 8 tuổi tử vong nghi do ngộ độc cà gai leo trên rừng
Ảnh minh hoạ: ITN

Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng do tình trạng quá nặng, người nhà đã xin đưa bệnh nhi về để lo hậu sự. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi ngừng hô hấp tuần hoàn, ngộ độc cà gai leo.

Theo bác sĩ Trần Thị Lệ Hồng, Trưởng Khoa Y Dược cổ truyền, bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cà gai leo được đánh giá là một loại dược liệu tốt, tính ấm, vị the, có tính hơi độc được dùng chữa trị nhiều loại bệnh lý.

Loại cây này thường được dùng các bộ phận như rễ, cành, lá của cà gai leo để chế xuất dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc viên; cũng có thể dùng bằng cách giã nát lá chiết nước uống và lấy bã đắp.

Tuy nhiên, trong cà gai leo chứa thành phần alcaloid có thể tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ. Nếu sử dụng quá nhiều cà gai leo hoặc sử dụng không đúng cách có thể ngộ độc alcaloid, nguy cơ tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Đặc biệt, một số trường hợp không nên sử dụng cà gai leo như phụ nữ đang mang thai, người có bệnh lý về thận. Cùng với đó, khi sử dụng cà gai leo cần xác minh rõ, tránh việc nhầm lẫn với các loại cà khác không đảm bảo chất lượng, có thành phần không tốt cho sức khỏe.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo nếu muốn sử dụng cà gai leo nên được tư vấn bởi các bác sĩ y học cổ truyền để biết liều lượng phù hợp với bản thân.

“Trong cà gai leo có nhiều hoạt chất nếu xử lý đúng thì có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, tăng cường sức khỏe. Nếu chế biến không đúng cách có thể trở thành chất độc. Trường hợp cháu bé này có thể do lượng cà tươi cháu dùng trên rừng nhiều dẫn đến ngộ độc”, Bác sĩ Trần Thị Lệ Hồng cho biết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *