‘Cô gái tải đạn’ bây giờ ra sao?

Có 2 lượt xem

Cho đến hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa, sự sống đã hồi sinh trên các chiến trường nhưng hồi ức về bức chân dung “Cô gái tải đạn” của người thanh niên xung phong, cựu chiến binh Trần Thị Ngọc đã góp phần làm nên những kỳ tích trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Anh 11
Bức chân dung “Cô gái tải đạn”. Ảnh: Trọng Thanh.

Trong cuốn sách “Hồ sơ Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại” có giới thiệu về cô gái thanh niên xung phong (TNXP) ở Quảng Bình với dáng người nhỏ nhắn, tóc tết đôi và nở nụ cười duyên khi vác trên vai thùng đạn để vận chuyển vũ khí ở chiến trường đã tạo ấn tượng sâu đậm với người xem. Dựa vào chú thích của bức ảnh, chúng tôi tìm đến thôn Đức Môn, xã Đức Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), nơi sinh sống của gia đình bà Trần Thị Ngọc (SN 1949). Bà là nhân vật chính của bức ảnh “cô gái Quảng Bình 18 tuổi, trong đội hình thanh niên xung phong tải đạn Binh trạm 14, vùng trọng điểm trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Mỹ và Sài Gòn đầu năm 1971. Trên vai cô và đồng đội luôn mang nặng 60kg, thậm chí 70 – 80kg” của nhà báo Trọng Thanh.

‘Cô gái tải đạn’ bây giờ ra sao?

Trong ngôi nhà nhỏ, bà Ngọc mở đầu câu chuyện, tháng 3/1968, hưởng ứng phong trào tình nguyện gia nhập Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước, bà viết đơn xin nhập ngũ vào lực lượng TNXP. Với tinh thần “đâu có nhiệm vụ thì ta cứ đi”, Trần Thị Ngọc cùng với đồng đội là những cô gái tuổi mười chín, hai mươi ở đơn vị C2 D72 Binh trạm 107 (TNXP Quảng Bình) đã xung phong lên vùng đất hiểm trở, nơi núi đồi cheo leo ở miền tây Quảng Bình để đảm trách những công việc vận chuyển, tập kết lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường.

Vào tháng 3 năm 1969, tiểu đội của bà Trần Thị Ngọc được điều động sang làm nhiệm vụ XYZ ở đơn vị 604 (hậu cần) bổ sung cho chiến trường Trị Thiên. Đơn vị của bà được phân công nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc men phục vụ bộ đội chiến đấu, cáng tải thương binh ra Bắc, đào hầm hào, làm kho, mở đường và khi cần thiết trực tiếp tham gia chiến đấu…

Anh 2
Bà Trần Thị Ngọc hiện nay. Ảnh: Xuân Thi.

Bà Trần Thị Ngọc nhớ lại, những tháng ngày cùng đồng đội kiên cường bám trụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lắm lúc cận kề cái chết trong gang tấc ở trận đánh đồi A Bia (A Lưới, Thừa Thiên Huế). Hay trong chiến dịch phản công chống cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch là quãng thời gian bà không thể nào quên.

Trên chiến trường Trị Thiên khói lửa, mặc dù chỉ tiêu gùi hàng của mỗi nữ TNXP là 25kg, mỗi ngày 7 chuyến với cự ly khoảng 2km nhưng chúng tôi đã vận chuyển khối lượng, số lượng tăng gấp đôi. Mỗi thùng đạn nặng khoảng 60kg. Khi được đồng đội hỗ trợ đặt thùng đạn trên vai là chúng tôi vác chạy đến địa điểm. Trên đường vận chuyển, chúng tôi không có nghỉ, không có chần chừ.

“Nhiều đêm chúng tôi vác đạn từ 7 giờ tối hôm nay đến 2 giờ sáng ngày hôm sau… Khi trở ra thì chúng tôi cáng thương binh. Chúng tôi lót dạ bằng vắt cơm nắm, nhiều khi phải nhai sống gạo đắng (gạo sống bị dính bom) để kịp thời gian vận chuyển. Trong điều kiện địch đánh phá hết sức ác liệt, chất độc hóa học rải xuống thiêu trụi cả cánh rừng, có những cung đường phải vượt núi cao; có những lúc cái đói, cái rét, ốm đau bệnh tật đe dọa nhưng chúng tôi – những nữ TNXP vẫn kiên cường “vai trăm cân, chân vạn dặm” hoàn thành mọi nhiệm vụ” – bà Ngọc kể.

Cuối năm 1972, bà Ngọc xây dựng gia đình với người cựu chiến binh Đặng Xuân Quảng, từng gia nhập quân đội thuộc binh chủng pháo binh – Tỉnh đội Bình Trị Thiên. Mãi đến năm 2002, khi đi khám sức khỏe để làm hồ sơ hưởng chính sách như thương binh, được đồng đội thông tin bà Trần Thị Ngọc mới biết mình có một bức ảnh vai vác đạn trên chiến trường…

Chỉ vào khung ảnh lưu giữ những tấm hình về một thời tham gia chiến trường của mình và đồng đội, bà Ngọc chia sẻ: “Giữa bom đạn chiến tranh, cái sống và cái chết cận kề nên thực sự tôi cũng không biết bức ảnh chụp vào lúc nào. Chắc là vào thời điểm như chú thích của bức ảnh. Tôi nghĩ rằng, có lẽ do dáng hình nhỏ nhắn của mình lại hay cười nên được lọt vào khuôn hình của nhà báo chăng? Thú thực, khi biết có bức ảnh, tôi xúc động lắm. Đây là bức ảnh quý hiếm để đời của tôi khi tham gia chiến trường”.

Về tác giả Trọng Thanh, ông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, từng tác nghiệp ở tuyến lửa Quảng Bình. Cùng với bức ảnh chân dung “Cô gái tải đạn”, nhà báo Trọng Thanh đã bấm máy ghi lại được hình ảnh nữ dân quân Nguyễn Thị Luẫn đang băng vết thương cho phi công Grap ngày 26/1/1966 tại Phong Nha – Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình).

“ Với những đóng góp của mình, ngày 31/7/1970, bà Trần Thị Ngọc được Quân khu Trị Thiên tặng danh hiệu “Dũng sĩ Quyết thắng” cấp 3; tặng Bằng khen vì đã có thành tích phục vụ chiến đấu năm 1969 và năm 1970. Cuối năm 1971, trong một lần vận chuyển hàng hóa, bà bị thương và được đơn vị chuyển về điều trị hơn 2 tháng tại viện 16 ở A Lưới. Sau đó, bà trở về quê hương.

theo báo https://daidoanket.vn/co-gai-tai-dan-bay-gio-ra-sao-10296664.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *