Ngày nắng, ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hạ, gần 35 năm qua, ông Cư lặng thầm với công việc của mình, chăm chút tỉ mỉ nhổ từng cây cỏ dại, lau từng vết bụi trên những tấm bia… chăm “giấc ngủ” cho đồng đội; “để các anh, các chị cứ trẻ mãi tuổi mười tám, đôi mươi như thuở nào bám cầu, bám đường, bám trọng điểm bảo đảm an toàn cho từng chuyến xe qua”.
Bệnh binh gần 35 năm lặng thầm chăm ‘giấc ngủ’ đồng đội
Dưới tán rừng thông xanh mát của xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là Nghĩa trang Thọ Lộc, nơi an nghỉ của 563 liệt sĩ của Ban xây dựng 67 hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Gần đó là con đường hướng về Ba Trại – một tuyến “đường lửa” trong những năm kháng chiến.
Những người liệt sĩ từ mọi miền Tổ quốc nằm lại sau khi cống hiến sức trẻ, xương máu cho đất nước. Và có một người cựu chiến binh lặng thầm hơn 30 năm canh “giấc ngủ” cho đồng đội. Đó là ông Lê Văn Cư (SN 1948), trú xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch.
Dưới bóng những cội thông già, ông Cư hoài niệm về cuộc đời, năm 1968, khi tròn 20 tuổi, ông tham gia quân ngũ. Ông thực hiện nhiệm vụ lái xe vận tải của Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn. Trong mưa bom, bão đạn, ông cùng đồng đội vẫn vững tay lái để vận chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược vào chiến trường trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh.
Năm 1976, ông Cư xuất ngũ, trở về với cuộc sống bình dị trên mảnh đất quê hương. Rồi duyên trời để ông gặp gỡ bà Trương Thị Lệ, một nữ thanh niên xung phong cũng vừa trở về sau những ngày ở chiến trường. Hai người cảm mến, hiểu cho tấm lòng của nhau rồi nên nghĩa phu thê. Tần tảo nơi quê nghèo, họ nuôi nấng 5 người con trưởng thành.
Cựu chiến binh Lê Văn Cư là người hơn 30 năm chăm sóc Nghĩa trang Thọ Lộc.
Đi qua những ngày tháng chiến tranh, ông Cư là bệnh binh, chịu ảnh hưởng chất độc da cam. Bà Lệ cũng là thương binh với thương tật khi đang chiến đấu trên tuyến đường 16 – Thống Nhất. Vợ chồng ông hiểu rõ sự khốc liệt, hy sinh, mất mát của chiến tranh. Họ luôn khắc khoải về những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.
Rồi năm 1990, khi hay tin nghĩa trang liệt sĩ Thanh niên xung phong Thọ Lộc khuyết người quản trang vì chế độ đãi ngộ thấp, sống quạnh quẽ, trống vắng, ông Cư cảm thấy rất buồn.
“Quả thật nghĩa trang lúc đó hoang sơ lắm, bốn bề rừng rậm, không có dân cư sinh sống, đường sá đi lại rất khó khăn. Trước đó vẫn có quản trang nhưng rồi họ cũng nghỉ việc vì nhiều lý do”, ông Cư nhớ lại.
Một cán bộ xã Cự Nẫm nói với ông: “Hay là ông lên đó với đồng đội, đồng chí mình? Các anh, các chị ấy hy sinh cho dân, cho nước, giờ an nghỉ trên quê hương mình, lại không ai chăm sóc, lo hương khói. Mình là người lính, có việc chi mà chẳng làm được. Có ông, nghĩa trang ấm tình người”. Thế là ngay hôm sau, ông Cư chính thức nhận nhiệm vụ chăm sóc nơi an nghỉ của đồng đội.
Ông Cư dành một phần của cuộc đời để chăm lo “giấc ngủ‘ của đồng đội.
Ông Cư cho biết phần lớn liệt sĩ ở đây hy sinh khi tuổi còn rất trẻ. Các anh, các chị rời xa gia đình, quê hương lên đường ra trận rồi không quay về mà mãi yên nghỉ ở nơi này. Những người nằm đây, nhiều người ông đã gặp, nhiều người ông không quen nhưng đều là đồng đội, đồng chí một thời lửa đạn.
Thời gian thấm thoát trôi cũng đã gần 35 năm, ông Cư vẫn lặng thầm với công việc của mình. Hình ảnh về người cựu chiến binh già miệt mài chăm sóc những hàng mộ ở nghĩa trang liệt sĩ Thọ Lộc là điều không còn xa lạ.
Những bước chân tập tễnh ở cái tuổi “cổ lai hy”, người cựu binh chậm bước qua từng ngôi mộ, tỉ mỉ nhổ từng cây cỏ dại, lau từng vết bụi trên những tấm bia. Ngày nắng, ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hạ, hơn ba mươi năm ông chăm chút cho từng người…
“Để các anh, các chị cứ trẻ mãi tuổi mười tám, đôi mươi như thuở nào bám đường, bám trọng điểm bảo đảm an toàn cho từng chuyến xe qua”, ông Cư cười tươi và nói.
Ban Xây dựng 67 – tiền thân của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5). Ngày 23/4/1967, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ra Quyết định thành lập Ban xây dựng 67. Ban chịu sự quản lý của Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cục tiền phương, Đoàn 559 do Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh kiêm Chính ủy.
Nhiệm vụ Ban xây dựng 67 là cùng với lực lượng quân đội tổ chức mở đường và chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo đảm giao thông trên các tuyến đường Trường Sơn, phục vụ vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam.
Quân số thường trực Ban xây dựng 67 duy trì khoảng từ 8.000 đến 10.000 người, thời kỳ cao điểm năm 1971 lên đến 24.000 người. Họ thuộc nhiều quân chủng hợp thành như các đội TNXP, các tiểu đoàn công binh; lực lượng công nhân giao thông, các đội cơ giới, đội khảo sát, đại đội thông tin liên lạc… Qua 8 năm dưới mưa bom, bão đạn, 1.088 người con ưu tú của Ban xây dựng 67 anh dũng hy sinh, 3.200 người khác bị thương tật vĩnh viễn.